Thứ Năm, 02/02/2012, 09:24 (GMT+7)
TT - Lặng nhìn sông Hương xuôi chảy, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Hữu Châu Phan trầm tư: “Chỉ với dân binh đảo Lý Sơn trên thuyền buồm nhỏ mà bao lớp người Việt đã dũng cảm vượt đại dương ra tiếp nối xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, chứng tỏ người Việt giỏi đi biển và đã đi được rất xa”.
Chân dung vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd |
Người Việt hướng biển
Điều thú vị là trong quá trình sưu tầm tài liệu người nước ngoài về hoạt động biển và bảo vệ chủ quyền biển của người Việt, tôi đã tìm được nghiên cứu của GS Vu Hướng Đông, giám đốc Sở Nghiên cứu VN, Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc. Trong tài liệu “Ý thức về biển của vua Minh Mạng” in ở kỷ yếu Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn tại hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa, tác giả Vu Hướng Đông đã rất đề cao tầm nhìn đại dương của triều Nguyễn.
“Sau vua Gia Long, vua Minh Mạng cũng tiếp tục đề xướng và ủng hộ sự nghiệp hàng hải ở hải ngoại, hầu như năm nào ông cũng cử đội thuyền triều đình hàng hải đến các nước Đông Nam Á, hải đảo ở vùng “Hạ Châu”. Ông từng cử người đến Minh Ca (Can - cốt - đa) ở miền đông Ấn Độ vùng “tiểu tây dương”, hình thành hiện tượng công cán hải ngoại quy mô lớn liên tục. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua Minh Mạng ít nhất đã cử 30 đợt các quan văn võ, đi tổng cộng khoảng 60 con tàu/lượt bọc đồng lớn nhỏ như các tàu “Phấn Bằng”, “Thụy Long”, “Định Dương”, “Bình Ba”... đến vùng Hạ Châu và tiểu tây dương”. Chỉ một nghiên cứu ngắn, Vu Hướng Đông khẳng định người Việt đã vươn đến được các đại dương xa xôi hơn cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, Vu Hướng Đông cũng cho rằng chương trình đưa người ra hải ngoại của vua Minh Mạng không nhằm mục đích thương buôn lấy lợi mà để mở mang hiểu biết, đặc biệt là học kỹ thuật hàng hải và hải chiến. Sâu xa hơn, triều Nguyễn quan tâm đến tương lai của đất nước trong thế sự nhiều lân quốc như Nhật, Trung Quốc đang biến động mạnh, phải chịu tác động nặng nề của các cường quốc hàng hải phương Tây. Minh Mạng ý thức được bất cập của hải quân triều Nguyễn nên yêu cầu đại thần ra nước ngoài mua tàu hơi nước và chiến pháp của hải quân Anh, Mỹ, với nhận xét sâu sắc: “Trong các nước phương Tây chỉ có Xích Mao và Ma Li Căn giỏi thủy chiến, tàu của họ hoặc thuận chiều gió hoặc ngược chiều gió đều rất nhanh nhẹn ... thật đáng để học tập”.
Nhà nghiên cứu người Trung Quốc này cũng đề cao vua Minh Mạng bằng chính trích đoạn trong sử Việt khi nhà vua hạ dụ cho quan Võ khố học tập chế tạo máy hơi nước: “Người làm vua phải học tập cái tốt của thiên hạ, loại xe này do người nước ngoài chế tạo ra, nó tinh xảo tiện việc sử dụng, học tập nó không sao cả. Nếu nói nó không đáng để học tập thì là thiển cận”.
(Theo tư liệu của Vũ Hữu San) |
Sự thật lịch sử
Tầm nhìn hướng biển của triều Nguyễn cũng được các nhà nghiên cứu người Việt khẳng định. GS Nguyễn Thế Anh, sử gia có nhiều công trình sâu sắc về nền kinh tế - xã hội triều Nguyễn, đã nghiên cứu chương trình đưa người đi công vụ nước ngoài thế kỷ 19. Ông cho rằng triều Nguyễn, đặc biệt là Gia Long và Minh Mạng, không hề bịt mắt che tai trước thời sự thế giới mà trái lại rất quan tâm vì tin rằng sẽ ảnh hưởng tới quốc gia. Và mục đích chương trình cử người xuất ngoại là thăm dò dự định của các cường quốc châu Âu để sửa đổi chính sách ngoại giao.
Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, chỉ giai đoạn 1835-1939, nhà Nguyễn đã cử ít nhất 21 chuyến thuyền vượt đại dương. Những người đã thực hiện nhiều chuyến đi như Nguyễn Tri Phương trong các năm 1836, 1837, 1838 trên các thuyền Thụy Long, Phấn Bằng; Đào Trí Phú đi năm 1838, 1839, 1840 trên thuyền Thanh Loan, Thụy Long; Lê Bá Tú đi năm 1837, 1838, 1839 trên các thuyền Phấn Bằng, An Dương, Linh Phượng... Ngoài ra, nhiều nhân vật từng xuất ngoại đến Singapore, Malaysia, Indonesia cũng được nhắc đến như Trần Hưng Hòa, Nguyễn Lương Huy, Vũ Văn Giải, Trần Danh Bưu, Nguyễn Văn Tố... Sau thăm dò thế sự, họ còn giao thương đường, ngà voi, thoi đồng và mua về vũ khí, kẽm, chì, diêm, vải vóc. Trong đó có cả việc trọng đại là mua tàu hơi nước về cho triều đình sử dụng và nghiên cứu đóng mới.
Đặc biệt, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn còn ghi rõ chế độ triều đình thưởng, phạt để khuyến khích người đi biển. Minh Mạng năm thứ 19 phái hai chiếc thuyền Thụy Long, Phấn Bằng đi việc công ở Hạ Châu. Hành trình đi về đều an toàn. “Vậy phó vệ úy Phan Văn Mẫn ngồi cai quản thuyền Phấn Bằng được thưởng một lần kỷ lục... Từ nay phàm thuyền phái đi ngoại quốc, đi về đều được yên ổn, nếu là đường bể tương đối xa như địa phương tiểu tây dương thì viên ngồi cai quản được thưởng ba lần kỷ lục, như các địa phương Quảng Đông, Lữ Tống, Giang Lưu Ba (Indonesia) thì viên ngồi cai quản được thưởng hai lần kỷ lục, các địa phương tương đối gần như Tân Gia Ba (Singapore), đảo Tân Lang thì viên ngồi cai quản thưởng một lần kỷ lục để tỏ rõ có sự phân biệt việc khen thưởng, để khiến biết có sự khuyến khích”. Cũng năm này, Minh Mạng đã cảm thương thủy thủ đoàn thuyền Linh Phượng đi Giang Lưu Ba khó nhọc, xa ngày nên thưởng cho cả người bị mất trên đường đi, người bị bệnh và người về được.
Nhiều nhân vật vang danh hậu thế như Nguyễn Tri Phương, Bùi Viện, Cao Bá Quát, Phan Huy Chú đã ghi chép, làm thơ để lại nỗi niềm và điều tai nghe mắt thấy ở hải ngoại. Có lẽ là người Việt gặp tổng thống Mỹ sớm nhất từ thế kỷ 19, Bùi Viện đã thốt những lời thơ chí hùng: “... Cương thường thân gánh vác/sóng gió bước chơi vơi/phúc chúa trời yên ổn/dòng thu thẳng neo bơi”. Cảm khái nghĩa khí Bùi Viện, vua Tự Đức đã ban rằng: “Trẫm với ngươi tuy chưa có ơn nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy”. Một quan chức không lớn như Bùi Viện mà được nhà vua cảm khái, tiễn đưa ra nước ngoài như vậy đã cho thấy tầm nhìn hướng biển của một triều đại cùng bao dự cảm, khát vọng cho dân tộc.
Từ ý thức biển của vua Minh Mạng, Vu Hướng Đông nhận xét: “21 năm trị vì của vua Minh Mạng cũng có thể được coi là đỉnh cao của nền hàng hải thuyền buồm và công cuộc xây dựng hải quân thời cổ đại VN. Ông ra sức đẩy mạnh sự nghiệp hàng hải của Chính phủ VN, khuyến khích đóng các loại tàu thuyền bền chắc, xây dựng thủy quân vững mạnh, hết sức coi trọng đến nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển. Ông đã ban bố các quy chế như “Tuần dương chương trình”, “Tuần dương quy thức” và “Tuần dương xử phận lệ”... nhằm mục đích chống cướp biển, trạm dương và giữ gìn an ninh cho các loại tàu thuyền hoạt động”. |
Theo QUỐC VIỆT (TTO)
--------------------------------------------
Tin bài liên quan:
>> Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước
>> Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa
>> Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả
>> Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ
>> Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn
>> Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa
>> Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả
>> Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ
>> Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn
--------------------------------------------
Vượt qua đại dương khét tiếng nhiều hải tặc và cuồng phong khắc nghiệt, người Việt xưa đã đi trên những chiếc thuyền gì và vận hành như thế nào?
Kỳ tới: Những người đi biển quả cảm
0 comments:
Post a Comment