Việc một doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa hoặc đồng hành cùng văn hóa để xây dựng thương hiệu là chuyện bình thường trong thời kinh tế thị trường này. Ông Nguyễn Khải Hoàn đang làm hàng ngàn chiếc ghế đá dành cho người đi bộ hoặc đôi lứa tự tình cũng bình thường như vậy.
Nhưng khác thường ở chỗ, trên mỗi chiếc ghế đá in một câu danh ngôn, được đặt trên vỉa hè khắp các quận, huyện TP.HCM. Vì theo ông, đôi khi một câu danh ngôn có thể giúp thay đổi một đời người. Ông Nguyễn Khải Hoàn là con trai nhà văn Nguyễn Khải, sau nhiều năm làm kinh doanh ông muốn kế tục truyền thống gia đình, nhưng theo một cách khác.
TT&VH có cuộc trò chuyện cùng ông.
* Từ đâu ông có ý tưởng làm ghế đá in các câu danh ngôn đặt trên vỉa hè cho người đi bộ?
- Những cuốn sách, tờ lịch in những câu danh ngôn của những người nổi tiếng hay những đúc kết trong cuộc đời từ tục ngữ, ca dao phổ biến khá nhiều. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể mang theo hoặc nhớ những “lời hay ý đẹp” đó. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, ra đường thấy bảng quảng cáo, thấy người chen xô người chứ hiếm khi thấy một câu chữ giúp người sống tốt với người hơn.
Tại sao “lời hay ý đẹp” lại lẩn khuất trong sách vở mà không hiện diện ở nơi công cộng? Nếu tất cả ghế đá đều in một câu nói ý nghĩa, thì biết đâu đấy một người đang tuyệt vọng, nhờ đọc được mà tìm ra lý do để sống ý nghĩa hơn.
Thỉnh thoảng tản bộ một mình, nhiều khi mỏi chân muốn tìm một chiếc ghế nghỉ ngơi nhưng cũng không thấy. Thử hình dung, trong một lúc nào đó ta đi dạo, có sẵn chiếc ghế dưới bóng cây, ta đến ... ngồi và đọc được một câu danh ngôn ý nghĩa để thấy rằng cuộc sống thật đáng sống.
* Được biết, ông đã đặt 3.000 “ghế đá danh ngôn” ở TP.HCM. Tuy nhiên, ngoài các câu danh ngôn in trên thành ghế còn có in logo thương hiệu Khải Hoàn Land. Xem ra đây không phải là một việc vì cộng đồng vô vụ lợi?
"Tôi đang ấp ủ giải thưởng văn học mang tên Nguyễn Khải và sẽ mời các nhà văn uy tín làm giám khảo" (phát biểu của ông Nguyễn Khải Hoàn) |
- Trong điều kinh phí cho phép, chúng tôi mong muốn sẽ làm hàng chục ngàn “ghế đá danh ngôn”, đặt ở những nơi có cây xanh, trong khuôn viên trường học ở tất cả các đô thị tại nước ta. Để có kinh phí thực hiện điều này, chắc chắn chúng tôi phải đi… kiếm tiền. Tôi muốn thông qua dự án “ghế đá danh ngôn” để quảng bá thương hiệu? Hẳn nhiên là vậy! Không riêng gì tôi, bất cứ doanh nghiệp nào cũng làm như vậy. Nhưng trong cái lợi riêng của chúng tôi có cái lợi chung rất lớn mà cộng đồng nhận được.
Tôi mong rằng không chỉ một mình Khải Hoàn Land mà còn nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác cùng thực hiện ý tưởng này với chúng tôi, vì càng nhiều doanh nghiệp thực hiện thì cộng đồng càng nhận được nhiều giá trị văn hóa.
* Khi thực hiện dự án “ghế đá danh ngôn”, nghe nói anh gặp không ít khó khăn khi một vài địa phương chưa hiểu hết ý nghĩa của công việc này?
- Nhìn chung, các địa phương đều nhận thấy việc làm của Khải Hoàn Land rất tốt đẹp , phần đông ủng hộ và tạo mọi điều kiện để chúng tôi đặt “ghế đá danh ngôn”. Tuy nhiên, một vài người chưa hiểu hết ý nghĩa của công việc này. Có nơi còn lo lắng rằng, “ghế đá danh ngôn” sẽ trở thành nơi tụ tập của những thành phần không tốt, gây mất trật tự công cộng.
Tôi thì nghĩ khác. Với một người biết đọc, khi đọc được một câu ý nghĩa, giống như họ đứng trước tấm gương để soi chính mình, nên rất khó có chuyện người ta làm việc sai trên “ghế đá danh ngôn”. Hơn thế, mỗi câu danh ngôn như “con mắt”, “người thầy” kiểm soát hành vi của người đối diện đang đọc nó. Tôi hiểu sự lo lắng của một vài người có trách nhiệm ở địa phương, nhưng tôi tin những người như thế quá ít so với những gì mà cộng đồng cảm nhận được từ “ghế đá danh ngôn”, mà biết đâu những thành phần không tốt đó sẽ thay đổi khi đọc được những câu danh ngôn.
“Ghế đá danh ngôn” tại công viên Tao Đàn
* Rất nhiều người đọc và học tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải, riêng anh đã học được gì từ bố mình?
- Tính tự học, tự bươn chải, ham đọc sách, đó là những gì tôi ảnh hưởng từ ông cụ. Tính nhân văn không phải chỉ nằm trong sách vở, tôi đã áp dụng nó trong kinh doanh. Dự án “ghế đá danh ngôn” cũng thế, tôi muốn phát triển văn hóa thông qua nhận xét. Tức là nhiều người cùng suy ngẫm và bình luận về một vấn đề, nhất là với một câu danh ngôn được đặt ở nơi công cộng, trực diện trong mắt mỗi người.
Tôi rất tự hào về bố mình, một nhà văn hóa lớn. Do vậy, làm bất cứ việc gì vì “cơm áo gạo tiền”, thì cuối cùng tôi cũng sẽ tiếp tục những gì bố mình đã làm. Tôi đang ấp ủ giải thưởng văn học mang tên Nguyễn Khải và sẽ mời các nhà văn uy tín làm giám khảo. Tôi nghĩ nếu xã hội xuất hiện nhiều dự án, nhiều cuộc thi về văn hóa thì tác động nhân văn sẽ rất lớn đến với cộng đồng, bộ mặt văn hóa xã hội sẽ thay đổi tích cực, từ đó kéo theo sự thay đổi về chất của nhiều phương diện khác. Đấy chính là khát vọng, mong muốn của tôi, cũng như của một số đông các doanh nghiệp hiện nay.
0 comments:
Post a Comment